Khái niệm dễ hiểu của biên dịch và thông dịch

Nhiều người vẫn thường bị nhẫm lẫn không biết biên dịch và thông dịch khác nhau như thế nào. Để hiểu rõ hơn về 2 công việc này, hãy cùng tìm hiểu định nghĩa cơ bản của chúng nhé.
Biên dịch là việc dịch văn bản, tài liệu, nói chung là những dữ liệu có cách trình bày là chữ viết từ ngôn ngữ 1 sang ngôn ngữ 2. Biên dịch phổ biến hiện nay là từ các loại ngôn ngữ như tiếng Anh, Trung, Nhật, Đức, Hàn, Pháp,... sang tiếng Việt và ngược lại. Các biên dịch viên thường làm việc trên các file thuộc về văn bản như website, file word, pdf, phụ đề video, các loại hồ sơ công chứng,...
Các biên dịch viên sẽ sử dụng một số công cụ hỗ trợ như chuyển nguồn văn bản ban đầu thành định dạng file cho dễ thao tác (ví dụ như RTF) và sau đó sẽ áp dụng bộ nhớ dịch đã được cài đặt sẵn để lưu lại bản dịch hiện tại cũng như tiện sử dụng cho sau này. Nếu theo đuổi nghề này bạn có thể làm việc tại các công ty đa quốc gia, chịu trách nhiệm dịch tài liệu hoặc làm việc tại các công ty dịch thuật, phòng công chứng,...

Thông dịch (hay phiên dịch) là việc dịch thuật lại lời nói của người nói từ ngôn ngữ A sang ngôn ngữ B. Việc này đặc trưng bởi tính tức thời, cần dịch ngay khi người nói vừa nói xong, bạn có thể tóm tắt hoặc lược bớt nếu được phép và đảm bảo không thay đổi nghĩa của câu nói.
Người làm nghề thông dịch cần có kinh nghiệm, trí nhớ tốt và đặc biệt là khả năng phản xạ nhanh. Bạn có thể đảm nhận vị trí thông dịch viên tại các sự kiện cần dịch trực tiếp như hội thảo, hội nghị, cuộc họp, phiên tòa, các buổi giao lưu, đàm phán,...
Biên dịch và thông dịch khác nhau như thế nào?
Để hiểu rõ hơn biên dịch và thông dịch khác nhau như thế nào, bạn có thể tìm hiểu thông qua 4 khía cạnh dưới đây:
- Định dạng: Biên dịch định dạng là chữ viết còn thông dịch định dạng sẽ là lời nói.
- Thời gian: Đối với biên dịch bạn có thể nhận tài liệu và giao lại trong khoảng thời gian quy định như 1 ngày, 1 giờ hay 1 tuần. Thông dịch bắt buộc bạn phải dịch lại ngay khi diễn giả, người nói vừa nói xong.
- Độ chính xác: Biên dịch đòi hỏi độ chính xác cao, chính xác đến từng câu từng chữ có trong văn bản. Thông dịch đôi khi sẽ yêu cầu chỉ cần tóm lại hoặc diễn giải lại ý đúng với mong muốn của người nói. Một số câu có thể loại bỏ nhưng cần đảm bảo ý nghĩa của câu gốc.
- Chiều dịch thuật: Biên dịch khi thao tác trên 1 văn bản chỉ cần dịch 1 chiều, từ ngôn ngữ A sang ngôn ngữ B. Thông dịch viên đôi khi trong các buổi đàm phán, thương lượng nếu thiếu người sẽ phải đảm nhận dịch 2 chiều để đảm bảo cuộc nói chuyện được xuyên suốt.
6 loại hình thông dịch thường gặp
Những loại hình thông dịch thường gặp cũng sẽ giúp bạn phân biệt rõ hơn biên dịch và thông dịch khác nhau như thế nào. Hiện nay bạn có thể gặp 6 loại hình thông dịch sau đây:
- Thông dịch song song: Kiểu thông dịch này được thực hiện bằng cách dịch thuật lại gần như chính xác lời nói của đối phương chỉ sau khoảng 5,10 giây. Người thông dịch phải chịu áp lực khá lớn trong thời gian này vì tốc độ nói, từ vựng, cách diễn đạt của mỗi người là khác nhau nên cần nhạy bén để có thể dịch gần như đồng thời như vậy.
Hình thức dịch song song thường gặp trong những cuộc họp, hội thảo, triển lãm thương mại,... Trong nhiều trường hợp, người thông dịch viên sẽ ngồi trong 1 buồng nhỏ gọ là cabin, sử dụng tại nghe và micro để dịch trực tiếp cho những người tham gia. - Dịch đuổi (hay dịch nối tiếp): Trong thông dịch, trường hợp người nói, người tham gia thuộc nhiều quốc gia khác nhau mà không thể thống nhất một ngôn ngữ dịch chung thì sẽ sử dụng hình thức dịch đuổi hay dịch nối tiếp. Với kiểu dịch này, người dịch có thời gian từ 1 - 5 phút sau mỗi lượt nói để có thể tổng hợp lại thông tin và chuyển qua ngôn ngữ đích.
Với dịch đuổi, người thông dịch có thể sử dụng sổ tay và bút ghi chú để hạn chế bỏ qua chi tiết quan trọng hoặc không nhớ hết những gì được truyền đạt. - Thông dịch viên du lịch/ hộ tống: Thông dịch viên du lịch đảm nhiệm gần như mọi công việc dịch của khách hàng khi tới một đất nước mới. Những việc thông dịch viên du lịch thường làm là thông dịch cuộc họp, thông dịch khi đi tham quan địa điểm, hỗ trợ khách dịch khi cần làm giấy tờ, có yêu cầu hành chính tại địa điểm khách đang cư trú.
Họ cũng chịu trách nhiệm truyền đạt văn hóa, truyền thống, lối sống của đất nước cho du khách. Đôi khi họ cũng có nhiệm vụ đặt đồ ăn, đặt phòng khách sạn nếu có yêu cầu. - Thông dịch thầm: Hình thức thông dịch này thường gặp trong các cuộc họp hoặc cuộc đàm phán, hội thảo. Người thông dịch sẽ ngồi sát cạnh hoặc đằng sau khách hàng và dịch bằng cách nói nhẹ nhàng với độ to vừa phải với khách.
Thông dịch thầm là hình thức thông dịch cá nhân nên bạn cần hiểu được khách hàng đang ở vị trí nào để có thể truyền đạt theo vai vế hoặc dùng những từ ngữ xưng hô khi truyền đạt đúng hơn.

- Thông dịch qua điện thoại: Thông dịch qua điện thoại thường sẽ bao gồm cả hình thức thông dịch song song và nối tiếp. Khuyết điểm của hình thức thông dịch này là người dịch không thể nhìn thấy mặt khách hàng và đôi khi không hiểu hết bối cảnh của cuộc dịch nên có thể gây ra sai sót trong qua trình chuyển ngôn ngữ.
- Thông dịch theo yêu cầu qua điện thoại: Thông dịch theo yêu cầu qua điện thoại là một hình thức chuyển ngôn ngữ được yêu cầu khi cần thông dịch gấp mà không thể tìm được thông dịch viên. Lúc này người cần dịch sẽ gọi lên tổng đài, chọn cặp ngôn ngữ cần dịch và sẽ đợi vài phút để kết nối với thông dịch viên.
Lợi ích của việc này là bạn có thể tìm được thông dịch viên chỉ trong thời gian ngắn nhưng mức phí cũng cao hơn và đôi khi sẽ không thông dịch chính xác nếu không hiểu được hoàn cảnh sự việc diễn ra.

7 loại tài liệu thường gặp của biên dịch viên
Để phân biệt biên dịch và thông dịch khác nhau như thế nào bạn cũng cần nắm được những loại tài liệu mà phiên dịch viên thường gặp nhất:

- Văn bản công chứng: Dịch thuật công chứng được sử dụng cho những văn bản cần sự chính xác cao như giấy khai sinh, bảng điểm, giấy tờ nhà đất, giấy chứng từ, giấy ly hôn,... Một số trường hợp tại các cơ quan nhà nước họ sẽ không chấp nhận những bản dịch nghiệp dư.
Những bản dịch này cần được thực hiện bởi biên dịch viên có bằng cấp hoặc giấy chứng nhận được phép dịch giấy tờ. Cuối cùng, những tài liệu này luôn phải công chứng để xác nhận độ chính xác của bản dịch so với bản gốc. - Tài liệu pháp luật: Dịch thuật dạng tài liệu này yêu cầu dịch giả có sự hiểu biết và sở hữu vốn từ ngữ chuyên môn khổng lồ trong ngành. Tài liệu trong ngành này có thể bao gồm nhiều loại khác nhau như giấy phép, các loại giấy cần sử dụng khi hầu tòa, văn bản hành chính, đạo luật doanh nghiệp, báo cáo, biên bản hỗ trợ tố tụng,...
Hệ thống luật pháp của mỗi quốc gia khác nhau lại khác nhau về nên bạn cũng cần am hiểu tường tận về đất nước đó để có thể dịch thuật đúng luật, đúng nghĩa, dễ hiểu. - Dịch thuật pháp lý: Hình thức biên dịch này sử dụng cho những tài liệu yêu cầu về mặt pháp lý chặt chẽ như quy định, nghị định, các thỏa thuận mua bán thương mại, hợp đồng kinh doanh, nội quy, chính sách bảo hiểm,...
- Tài liệu y học: Y học là một trong những ngành cần sự giao thoa ngôn ngữ thông qua văn bản để có thể học tập được những kỹ thuật, tinh hoa y tế từ nhiều quốc gia khác nhau. Để đảm bảo bản dịch y học có độ chính xác cao thì bạn cần nắm vững được những khái niệm, cơ chế hoạt động, nguyên lý trong của thuốc hay các loại bệnh.
Hình thức này không chỉ yêu cầu về mặt kinh nghiệm, từ vựng mà cần có chuyên môn nhất định trong lĩnh vực y tế. - Tài liệu kỹ thuật: Cũng giống như y học, tài liệu kỹ thuật yêu cầu sự hiểu biết nhất định về các nguyên tắc, nguyên lý, cơ chế hoạt động của máy móc, thiết bị. Những tài liệu bạn có thể dịch trong ngành này bao gồm hướng dẫn sử dụng, lắp ráp; cơ chế vận hành,... Tài liệu kỹ thuật đôi khi có thể hiểu rộng ra là những dạng tài liệu thuộc các ngành nghề khác nhau như báo cáo tài chính, các điều khoản hành chính, biên bản tố tụng,...
- Tài liệu văn học: Đây là hình thức phổ biến và được nhiều phiên dịch viên chọn lựa để gắn bó. Khi dịch các tác phẩm văn học bạn cần nắm được giọng văn của tác giả, văn hóa nước bản địa, cách chuyển đổi từ ngữ sao cho không có sự lẫn lộn hay sai khác về mặt băn hóa.
Điều cần đặc biệt chú ý khi áp dụng dịch trong các tài liệu văn bản là không được phép sáng tạo ngoài phạm vi của tác giả. Tài liệu chuyển ngôn ngữ giữ được ý mà tác giả muốn truyền đạt cũng như những ẩn ý mới gọi là bản dịch hoàn hảo. - Dịch thuật kinh doanh: Dịch thuật kinh doanh đôi khi còn được gọi là dịch kinh tế được dùng trong các ngành kinh tế hay các tài liệu như đầu tư, ký kết giao dịch, bản thương lượng hợp tác hoặc những tài liệu nghiên cứu trong kinh tế nói chung.
Những phẩm chất cần có của một thông dịch viên giỏi
Để có thể tiến xa trong ngành, thông dịch viên giỏi cần đáp ứng được những yêu cầu cơ bản sau đây:

- Kỹ năng nghe giỏi: Thông dịch viên cần có khả năng nghe với tốc độ cao hoặc nghe kể cả khi người nói nói tắt, nói tiếng lóng, nói giọng địa phương, nói nhỏ.
- Khả năng cảm quan, kỹ năng tư duy, nhạy bén: Cảm nhận được không khí của buổi thông dịch, hiểu được nghĩa từ ngữ được dùng trong trường hợp đó và cần có cả độ nhạy cảm để có thể truyền đạt thông tin nhanh chóng và chính xác nhất.
- Kho từ vựng khổng lồ: Mỗi thông dịch viên thường sẽ chọn cho mình 1,2 chuyên ngành nhất định để dịch. Khi đã tìm hiểu sâu trong chuyên ngành đó thì cần hiểu toàn bộ từ chuyên môn, từ viết tắt, từ thay thế để có thể hoàn thành công việc tốt nhất.
- Quan tâm tới văn hóa khi dịch: Văn hóa của mỗi quốc gia khác nhau ảnh hưởng rất nhiều tới việc dịch. Dịch sao không đụng chạm vào điều cấm kỵ, từ vựng cấm kỵ hoặc truyền tải được hết sự khác biệt văn hóa của đất nước là yêu cầu cần chú ý khi dịch nói.
- Khả năng chịu áp lực và phục hồi cảm xúc: Trong một số trường hợp bạn sẽ phải đảm nhận việc dịch cho nhiều người ở nhiều cương vị khác nhau. Giọng nói hay tốc độ nói của họ cũng hoàn toàn khác nhau. Điều này tạo nên áp lực rất lớn khi dịch. Đôi khi trong những trường hợp như dịch trong các tình huống y tế khẩn cấp, tội phạm, giết người,... ngoài việc chịu được áp lực bạn cũng cần kiềm chế và phục hồi cảm xúc tốt để không ảnh hưởng đến công việc.
Để trở thành biên dịch viên giỏi cần tố chất gì?
Biên dịch và thông dịch khác nhau như thế nào còn nằm ở kỹ năng dành cho 2 ngành này. Không giống như thông dịch viên, biên dịch viên cần có những kỹ năng cơ bản dưới đây:

- Ngôn ngữ và kiến thức chung trong biên dịch: Khả năng ngôn ngữ giỏi là diều không thể thiếu. Nhưng ngoài ngôn ngữ về mặt biểu đạt người dịch cũng cần hiều được nguồn gốc từ vựng, ngôn ngữ vùng miền, văn hóa của tài liệu cần dịch.
Ví dụ như câu “Năm nay anh ấy không có Tết”. Về mặt từ vựng người đọc có thể hiểu được rằng đây chỉ là đơn giản nhưng khi hiểu sâu về mặt văn hóa sẽ biết rằng đây là một câu dịch thể hiện hoàn cảnh, tâm trạng hay một vấn đề nào đó của nhân vật. Truyền đạt đầy đủ ẩn ý, suy nghĩ, cách thức thực hiện của tác giả chính là một phần không thể thiếu trong ngôn ngữ dịch viết. - Kỹ năng đọc hiểu: Không giống như ngôn ngữ nói, ngôn ngữ viết biến hóa khôn lường. Người viết có thể đảo câu, dùng câu lược, câu ngắn gọn, dùng các dạng câu đặc biệt để truyền đạt nội dung tài liệu. Chính điều này yêu cầu người biên dịch viên cần có khả năng đọc hiểu tốt để hiểu hết được nội dung cần dịch.
- Khả năng truyền đạt văn bản ở ngôn ngữ đích: Đọc hiểu được văn bản nhưng để truyền đạt lại đúng ý ở ngôn ngữ đích chính là khả năng cần có ở một biên dịch viên giỏi. Chỉ cần dùng sai 1 dấu chấm, dấu phẩy, dấu chấm than cuối câu là nội dung hay sắc thái biểu cảm của câu đó cũng thay đổi. Chính vì vậy biên dịch viên giỏi cần có khả năng truyền đạt về mặt ngôn ngữ đích ở mức tốt đến rất tốt.
Biên dịch và thông dịch khác nhau như thế nào
Qua bài viết trên, chắc hẳn bạn đã có thêm nhiều thông tin bổ ích về biên dịch và thông dịch khác nhau như thế nào rồi nhỉ. Nếu muốn hoạt động trong ngành nghề này, bạn nên lưu ý những tố chất cần có để có thể rèn luyện thêm. Hãy theo dõi những bài viết của Bp-guide để có thêm nhiều kiến thức bổ ích trong các lĩnh vực đời sống nhé!