Tổng hợp 5 cách ghi nhớ nhanh và hiệu quả được các chuyên gia siêu trí nhớ áp dụng (năm 2022)

Tổng hợp 5 cách ghi nhớ nhanh và hiệu quả được các chuyên gia siêu trí nhớ áp dụng (năm 2022)

Trong quá trình học tập, làm việc, trí nhớ đóng một vai trò rất quan trọng. Nếu bạn nhớ nhanh và nhớ lâu một lượng lớn thông tin thì sẽ dễ dàng hơn khi muốn sử dụng chúng vào công việc nào đó. Nhiều người cho rằng khả năng ghi nhớ là bẩm sinh nhưng chúng ta hoàn toàn có thể luyện tập được. Bạn có thể tham khảo ngay 5 cách ghi nhớ nhanh và hiệu quả được các chuyên gia siêu trí nhớ áp dụng để có trí nhớ tốt hơn nhé!

Bài viết có liên quan

1. Cách ghi nhớ nhanh bằng phương pháp Spaced Repetition – Kỹ thuật lặp lại ngắt quãng

Định nghĩa

Nguồn prep.vn

Phương pháp Spaced Repetition hay còn gọi là kỹ thuật ghi nhớ ngắt quãng được phát minh bởi Hermann Ebbinghaus. Ông đã tự nghiên cứu chính mình và nhận ra rằng thông tin có thể bị quên đi 1 cách nhanh chóng nếu chỉ học 1 lần sau đó không ôn lại. Tuy nhiên nếu được ôn lại một cách thường xuyên thì những thông tin đó sẽ được đưa vào phần ghi nhớ dài hạn của bộ não.

Phương pháp Spaced Repetition áp dụng quy tắc này của bộ não để có thể ghi nhớ nhanh và lâu hơn. Phương pháp này thực sự mang lại hiệu quả khi đến năm 1973 nó được kết hợp cùng với flash card và Leiner System.

Trong hệ thống Leiner System, những ngăn xếp flash card sẽ được phân ra những tấm chưa nhớ, những tấm thẻ đang rèn luyện và những tấm flashcard đã nhớ rõ. Bằng cách này, người học có thể học mới và ôn lại những thông tin cho đến khi nó được ghi nhớ trong trí nhớ dài hạn.

Cách ứng dụng

Phương pháp Spaced Repetition thường được áp dụng nhiều nhất để ghi nhớ từ vựng khi học một ngôn ngữ mới hoặc ghi nhớ những công thức toán học. Để có thể áp dụng phương pháp này bạn cần chuẩn bị những tấm flash card có ghi sẵn thông tin cần học và một chiếc hộp gồm 3 ngăn hoặc nhiều hơn.

Ngăn đầu tiên bạn sẽ để những tấm thẻ mới, chưa được học và ghi nhớ. Khi đã nhớ những tấm thẻ này rồi thì bạn sẽ chuyển chúng sang ngăn thứ 2. Ngăn thứ 2 sẽ chứa những thông tin đã nhớ trong trí nhớ ngắn hạn nhưng cần rèn luyện lại. Ngăn thứ 3 sẽ là những tấm flash card đã được nhớ rõ hơn và cứ tiếp tục như vậy cho những ngăn kế tiếp.

Mỗi ngày bạn có thể học 5 tấm thẻ ở ngăn 1 và ôn lại 5 tấm thẻ ở ngăn 2. Nếu thuộc rồi thì bạn có thể chuyển chúng sang những ngăn tiếp theo. Nếu chưa thì hãy tiếp tục để ở đó và học trong những lẫn kế tiếp. Nếu bạn kiên trì áp dụng cách ghi nhớ nhanh này thì sẽ chẳng bao lâu bạn có thể nhớ hết được những thứ cần học đấy.

2. Cách ghi nhớ nhanh bằng phương pháp Mindmap - Bản đồ tư duy

Định nghĩa

Nguồn cdn.123job.vn

Cách ghi nhớ nhanh bằng bản đồ tư duy (mindmap) đã được nhiều người chứng minh là hiệu quả và có khả năng ghi nhớ nhiều thông tin kể cả phức tạp nhất. Phương pháp này được nghiên cứu dựa trên khả năng phân tích, tổng hợp và ghi nhớ hình ảnh của não bộ.

Với một bản đồ tư duy, bạn có thể đưa ra một lớp cấu trúc thông tin từ phần cốt lõi đến những thông tin viền bên ngoài. Những thông tin này được kết nối với nhau bằng những sợi dây liên kết và từ đó giúp não bộ dễ dàng nhận diện cũng như ghi nhớ hơn.

Khi vẽ bản đồ tư duy, người vẽ thường sử dụng những hình ảnh, ký hiệu, màu sắc để khiến cho bộ não kích thích nhiều hơn. Thông tin khi được biểu diễn có cấu trúc và sinh động thì sẽ dễ nhớ hơn bao giờ hết.

Ưu điểm của phương pháp ghi nhớ này là giúp bạn biết được sự liên kết giữa các phần với nhau. Đồng thời khi thêm thông tin vào bất cứ phần nào cũng không gây sự rối loạn, tạo điều kiện ghi nhớ nhanh và linh hoạt hơn. Thêm vào đó, hiện nay cũng có rất nhiều phần mềm vẽ mindmap online giúp người học có thể áp dụng phương pháp này nhanh chóng và hiệu quả hơn bao giờ hết.

Cách áp dụng

Để vẽ được bản đồ tư duy (mindmap) dễ nhớ và dễ hiểu bạn có thể tham khảo những bước làm dưới đây:

  • Bước 1: Xác định các thành phần chính của thông tin cần ghi nhớ
    Thông tin cần ghi nhớ lúc nào cũng sẽ có 1 mục chính và các mục phụ bổ trợ cho mục chính. Ví dụ trong bài “Trọng lực” thì thông tin chính ở đây chính là trọng lực. Các thông tin phụ sẽ là định nghĩa, công thức, cách áp dụng, lưu ý, bài tập,.... Trong những mục phụ này sẽ tiếp tục chứa các thông tin con nhỏ hơn.

  • Bước 2: Vẽ nhánh liên kết
    Sau khi xác định được các thành phần cần ghi nhớ, bạn sẽ đưa các thông tin này vào một bản đồ lớn với vị trí trung tâm là thông tin chính. Các thông tin phụ sẽ là các nhánh nhỏ xung quanh thông tin chính. Và cứ tiếp tục như vậy để tạo thành một bản đồ liên kết với nhau.

  • Bước 3: Khiến thông tin trở nên sinh động hơn
    Trong quá trình thiết lập mindmap bạn có thể khiến thông tin trở nên sinh động, dễ nhớ hơn bằng cách sử dụng các màu mực khác nhau hoặc các hình ảnh mô tả. Sau khi hoàn thành bản đồ tư duy, bạn nên đọc lại, highlight những ý cần nhớ để giúp não bộ chú ý vào điểm và nhớ lâu hơn. Hãy cố chỉ tập trung vào 1 từ khóa chính trong một ý để tránh việc loạn thông tin.

Bạn có thể vẽ bản đồ tư duy theo hình một cái cây, một ngôi nhà hoặc bất cứ hình ảnh nào giúp bạn thích thú với thông tin cần nhớ hơn. Sau khi hoàn thành được bản đồ tư duy rồi thì đừng quên ôn lại thường xuyên để kiến thức có thể ghi nhớ dài lâu hơn nhé.

3. Cách ghi nhớ nhanh bằng phương pháp liên tưởng

Định nghĩa

Theo các nghiên cứu khoa học, não bộ của chúng ta sẽ ghi nhớ thông tin tốt hơn nếu các thông tin ấy được liên kết với nhau theo một quy luật nào nó. Cách ghi nhớ nhanh bằng phương pháp liên tưởng đã áp dụng chính quy tắc này để đưa thông tin vào bộ nhớ dài hạn của não bộ.

Các luật liên tưởng thường được áp dụng trong phương pháp này là:

  • Luật tương tự: Các sự vật, sự kiện liên quan đến nhau sẽ được ghi nhớ dễ dàng hơn. Ví dụ khi nhắc đến truyện cổ tích Tấm Cám, ta sẽ liên tưởng nhiều đến tình cảm gia đình, sự liên quan giữa cái thiện và cái ác trong cuộc sống,...

  • Luật tương phản: Khi nhắc đến một sự vật, sự việc nào đó, sự tương phản về mặt tính chất, cấu trúc sẽ khiến não ấn tượng và nhớ lâu hơn. Ví dụ nóng - lạnh, mập - ốm, thành công - thất bại,...

  • Luật gần nhau: Các sự vật gần nhau trong không gian, thời gian sẽ gợi sự liên tưởng. Ví dụ thấy ong, bướm thì sẽ liên tưởng đến những vườn hoa ở xung quanh.

  • Một số luật khác: Luật quan hệ giúp ta hình thành mối quan hệ giữa các sự vật với nhau. Luật sáng rõ chỉ ra rằng những việc càng được minh bạch, rõ ràng thì càng có ấn tượng sâu sắc. Luật lặp lại chỉ sự liên tưởng nếu một sự vật, sự việc được lặp lại nhiều lần.

Cách áp dụng

Thực tế, trong quá trình học tập bạn đã được rất nhiều thầy cô chỉ cho phương pháp liên tưởng để nhớ bài học hoặc công thức dễ hơn. Ví dụ trong toán học, khi muốn nhớ về các công thức lượng giác, có một bài thơ bất hủ với giới học sinh đó là: Sin đi học, Cos không hư, Tan đoàn kết, Cotan kết đoàn.

Bài thơ này sử dụng các chữ đầu của từ, ví dụ như đi học sẽ là chữ “đ” và “h”. Vậy thì bạn sẽ luôn nhớ được cách tính của Sin là cạnh đối (“đ” trong đối”) chia cho cạnh huyền (“h” trong huyền).

Hoặc trong môn hóa học, khi cần ghi nhớ dãy hoạt động từ mạnh đến yếu của các kim loại, tùy vào thầy cô nhưng chắc hẳn bạn đã một lần nghe đến câu “Khi nào cần may áo giáp sắt nhớ sang phố hỏi cửa hàng Áo Phi u”. Những chữ đầu tiên trong câu này đại diện cho các kim loại cần nhớ. “Khi” là K (kali), “nào” là Na (Natri), “cần” là Ca (Canxi),... và cứ tiếp tục như vậy cho các chất Mg, Al, Zn, Fe, Ni, Sn, Pb, H, Cu, Hg, Ag, Pt, Au còn lại.

Điều cần chú ý ở đây là bạn cần tìm được sự liên kết giữa các thông tin đầu vào và mã hóa, liên tưởng nó sao cho bản thân dễ nhớ nhất. Hãy luyện tập dần dần để có thể áp dụng cách ghi nhớ nhanh này nhé.

4. Phương pháp Loci - Cách ghi nhớ nhanh hiệu quả của người xưa

Định nghĩa

Nguồn static.ybox.vn

Phương pháp Loci là một trong những phương pháp ghi nhớ có lịch sử lâu đời có cách đây khoảng 2000 năm, được sáng tạo bởi nhà thơ Simonides. Tương truyền rằng trong khi tham dự một bữa tiệc lớn, phòng tiệc sụp đổ khiến nhiều người mất mạng. Nhà thơ này đã sống sót và giúp nhận diện nạn nhân bằng cách nhớ đến nhân vật, vị trí đứng, đặc điểm nổi bật của họ trước khi xảy ra tai nạn.

Các nghiên cứu chỉ ra rằng, não bộ khi nhớ một thông tin gì đó thường nhớ theo cụm chứ không hề ngẫu nhiên. Những thông tin xảy ra cùng một thời gian, cùng một địa điểm, cùng liên quan đến một sự vật khác thường được ghi nhớ chung với nhau. Khi cần truy xuất thông tin, bộ não con người sẽ tự động khôi phục lại bối cảnh để lấy ra các thông tin cần nhớ.

Để ghi nhớ một thông tin gì đó, bạn có thể mở rộng chiều không gian ghi nhớ như các khung cảnh quen thuộc (phòng ngủ, đường đi học,...). Điều này sẽ giúp các thông tin liên kết và não bộ dễ tiếp thu để nhớ hơn.

Cách áp dụng

Cách tốt nhất để áp dụng phương pháp Loci chính là vẽ ra một cung điện trí nhớ ngay bên trong não của bạn. Ví dụ bạn của thể xây ra một tòa lâu đài với rất nhiều phòng, trong mỗi phòng là một mục thông tin cần nhớ. Tự do sáng tạo câu chuyện theo trí tưởng tượng của bản thân sẽ giúp não bộ ghi nhớ thông tin nhanh chóng và lâu dài nhất.

Bạn có thể bắt đầu chuyến hành trình vào tòa lâu đài trí nhớ của mình bằng phòng khách với thông tin về chiếc bàn lớn với cuốn sách bách khoa toàn thư trên bàn. Bên cạnh bàn là một bộ ghế sofa của Đức được làm từ chất liệu da bò nguyên chất. Da bò nguyên chất sẽ có những ưu nhược điểm gì khiến bộ sofa của bạn trở nên sáng trọng và đẹp đến vậy?

Rồi tiếp theo sẽ là phòng ngủ, phòng bếp, nhà tắm, ban công,... Ở mỗi địa điểm bạn sẽ đều có thể sáng tạo ra những đồ vật mang thông tin mà bạn cần nhớ. Lần tới, khi cần nhớ thông tin gì đó, hãy thử xây dựng một tòa lâu đài trí nhớ nhé!

5. Cách ghi nhớ nhanh - Phương pháp hành trình

Định nghĩa

Nguồn unica.vn

Phương pháp hành trình là phương pháp ghi nhớ sự vật, sự việc theo trình tự thời gian. Đây là một phương pháp ghi nhớ nhanh, mạnh và hiệu quả cao. Phương pháp này dựa trên sự kết nối và cấu trúc hệ thống để xây dựng nên sợi dây liên kết của các thông tin trong não bộ.

Bạn có thể sử dụng phương pháp hành trình bằng cách gán thông tin vào một hành trình quen thuộc, cụ thể của bản thân. Đó có thể là con đường đi học, đi làm, đi chơi, đi thăm cha mẹ, người thân. Ở mỗi điểm dừng chân trong cuộc hành trình ấy, bạn đều có thể gán cho nó một thông tin. Khi cần truy xuất thông tin thì chỉ cần đi xuôi hoặc ngược lại hành trình.

Cách áp dụng

Hãy thử phương pháp hành trình trong việc luyện trí nhớ từ vựng tiếng Anh sau đây nhé. Đây sẽ là một chuyến hành trình từ nhà đến trường với những từ vựng liên quan đến sự vật và hành động.

Đầu tiên trước khi đi học bạn cần chuẩn bị những vật dụng gì và tiếng Anh của những từ ấy là gì nhỉ? Tiếp theo, khi đi ra cửa bạn sẽ nhớ đến tiếng Anh của từ cửa, mở cửa, đóng cửa,... Khi lấy xe bạn có thể nhớ đến từ vựng tiếng Anh của xe đạp, xe máy, xe ô tô, xe buýt,...

Trên đường đi bạn có thể gán từ vựng cho những sự việc như kẹt xe, tai nạn, đổ xăng,... Đến trường học bạn lại nhớ đến những từ tiếng Anh của sự trễ học, gặp bạn bè, chào thầy cô,...

Trong suốt chuyến hành trình đi học, mỗi một thông tin gán cho sự vật, sự việc sẽ khiến não bộ liên kết chúng với nhau và nhớ dễ hơn. Hãy thử vạch ra chuyến hành trình ghi nhớ cho riêng mình nhé!

Bài viết có liên quan
Từ đội ngũ biên tập của chúng tôi

Cách ghi nhớ nhanh

Vậy là bạn đã biết thêm được 5 cách ghi nhớ nhanh vô cùng hữu hiệu rồi nhỉ. Tiềm năng của bộ não là vô cùng lớn nên hãy thử thách trí nhớ của mình nhiều hơn. Hãy theo dõi những bài viết của Bp-guide để có thêm nhiều thông tin bổ ích nhé!
#bpguide #bp #guide #vn #bpvn