Digital marketing là gì?
Hòa mình cùng xu thế phát triển của công nghệ, digital marketing đã trở thành một phần quan trọng đối với các tổ chức, công ty, doanh nghiệp. Vậy thực chất digital marketing là gì?
Theo chuyên gia đầu ngành marketing - Philips Kotler thì digital marketing hay còn gọi là marketing điện tử là toàn bộ quá trình lập kế hoạch về sản phẩm, giá, cách phân phối và xúc tiến đối với sản phẩm, dịch vụ. Còn theo Joel Reedy thì digital marketing bao gồm tất cả các hoạt động liên quan đến việc làm thỏa mãn những nhu cầu, mong muốn của khách hàng thông qua các phương tiện điện tử và internet.
Nhìn chung, digital marketing có thể hiểu đơn giản là sử dụng tất cả những thiết bị điện tử để trao đổi thông tin, quảng bá thương hiệu, buôn bán sản phẩm, đáp ứng nhu cầu, mong muốn của khách hàng và giúp cho tổ chức, doanh nghiệp, công ty phát triển bền vững hơn.
Các dạng media trong digital marketing là gì?
Khi phân phối các dạng nội dung, thông tin liên quan đến sản phẩm, thương hiệu hay công ty thì cần dùng đến các kênh media. Dưới đây là 3 kênh media phổ biến trong digital marketing:
- Owned Media: Đây là những kênh media thuộc sở hữu của thương hiệu, doanh nghiệp, có thể kể đến như website, blog, microste... Những kênh này vì thuộc quyền quản lý của thương hiệu nên sẽ dễ kiểm soát, tồn tại lâu dài, dễ dàng chỉnh sửa, tiếp cận với khách hàng mục tiêu. Tuy nhiên, việc phát triển các chiến lược marketing trên kênh media này sẽ tiêu tốn một thời gian khá dài. Đồng thời các kênh này đôi khi sẽ có độ tin cậy chưa cao và khó tiếp cận đến công chúng.
- Paid Media: Hiểu đơn giản thì đây là những kênh media mà thương hiệu phải trả phí để quảng cáo, nâng cao sự nhận diện. Các kênh paid media có thể bao gồm quảng cáo hiển thị, social ads, KOLs, quảng cáo hiển thị tìm kiếm trên các công cụ tìm kiếm... Paid media vì có dựa trên sự hỗ trợ của các nhân tố khác nên đôi khi không thể kiếm soát chặt chẽ nếu không thường xuyên theo dõi các chỉ số, kết quả và báo cáo. Nếu chọn đúng kênh paid media thì thương hiệu có thể thu được kết quả tốt rất nhanh, ngược lại đôi khi sẽ tiêu tốn tiền bạc và gây ảnh hưởng đến uy tín thương hiệu.
- Earned Media: Earned Media hay còn có tên gọi khác là truyền thông lan truyền được hình thành khi sản phẩm, thương hiệu được khách hàng tự do lan truyền thông tin. Earned media sẽ gây hiệu ứng tốt nếu những thông tin đưa ra là những thông tin tích cực và sẽ gây ảnh hưởng xấu nếu có bất cứ một thông tin tiêu cực nào đó. Earned media là hình thức media khó quản lý nhất trong 3 hình thức trên.
Vai trò của digital marketing là gì?
Nhờ có digital marketing mà các thương hiệu, doanh nghiệp đã có những bước phát triển lớn, vượt bậc trong thời gian ngắn. Hãy cùng điểm qua xem những vai trò của digital marketing là gì nhé!
- Mở ra cơ hội canh tranh công bằng: Nếu như trước đây 1 cửa hàng bán quần áo chỉ có thể bán sản phẩm cho những khách hàng xung quanh khu vực mở cửa hàng thì giờ đây, nhờ internet, người bán hàng có thể tiếp cận với toàn bộ khách hàng trên cả nước, thậm chí ở nước ngoài. Với sự đa dạng của những kênh media, giờ đây những doanh nghiệp vừa và nhỏ không cần bỏ một số tiền lớn mới có thể được xuất hiện trên ti vi, biển quảng cáo được nhiều người biết đến mà có thể tự xây dựng trang web, chạy quảng cáo trên các kênh mạng xã hội, đưa sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử vô cùng dễ dàng. Tệp khách hàng trên mạng internet là vô cùng lớn và nó khiến các doanh nghiệp, công ty mở ra nhiều cơ hội canh tranh với cả những công ty lớn, tập đoàn đa quốc gia.
- Tối ưu chi phí: Nếu như ở những cửa hàng thủ công, bạn cần chi thật nhiều tiền để thuê cửa hàng, trang trí, làm băng rôn, biển hiệu quảng cáo... thì với digital marketing, những việc ấy có thể được tối ưu chỉ thông qua 1 trang web, 1 fanpage, 1 kênh youtube hay 1 cửa hàng trên sàn thương mại điện tử. Ngoài ra, các công cụ tìm kiếm của Google, chạy quảng cáo trên mạng xã hội cũng hỗ trợ cho doanh nghiệp rất nhiều. Theo thống kê của Gartner thì quảng cáo trên môi trường online giúp cho các doanh nghiệp tiết kiệm đến 40%. Báo cáo của đơn vị này cũng chỉ ra rằng, các doanh nghiệp đang chuyển đổi dần, trong đó 28% các doanh nghiệp chuyển từ chi tiêu cho các kiểu marketing truyền thống sang quảng cáo digital marketing.
- Hướng đến mục tiêu chuyển đổi thành khách hàng: Nếu trước đây bạn chỉ trưng ra một biển quảng cáo mà không biết ai sẽ đi qua để đọc được nó và ai sẽ trở thành người mua hàng thì với digital marketing, những hành động ấy trở nên đơn giản hơn bao giờ hết. Với các công cụ online, thương hiệu có thể dễ dàng nhắm tới đối tượng mục tiêu là nam hay nữ, nằm trong độ tuổi nào, nên tiếp cận họ với tần suất, nội dung như thế nào và làm sao để họ có thể mua hàng, quay lại mua hàng ủng hộ thương hiệu. Tất cả những điều này đều có thể dễ dàng kiểm soát, quản lý, thay đổi sao cho phù hợp với kế hoạch phát triển của doanh nghiệp.
- Mở ra một thị trường rộng lớn: Trong thời đại 4.0 hiện nay thì việc mua bán, trao đổi trên mạng internet đã không còn quá xa lạ với nhiều người. Từ đó mở ra một tệp khách hàng vô cùng lớn cho các công ty, doanh nghiệp. Môi trường online luôn là miếng bánh béo bở còn nhiều khía cạnh để khai thác cho các doanh nghiệp. Điều quan trọng là doanh nghiệp cần thay đổi, cập nhật và phát triển sao cho phù hợp với xu hướng chung của thị trường.
Các hình thức chủ yếu của digital marketing là gì?
Trong digital marketing lại chia ra làm nhiều hình thức khác nhau. Một doanh nghiệp có thể áp dụng nhiều cách cùng một lúc hoặc chọn lựa ra 1, 2 hình thức phù hợp nhất để phát triển. Dưới đây sẽ làm một số hình thức digital marketing phổ biến nhất:
- SEO – Tối ưu hóa công cụ tìm kiếm: SEO là quá trình tối ưu văn bản và định dạng cấu trúc để công cụ tìm kiếm có thể tìm ra bạn khi người dùng có nhu cầu tìm hiểu trên internet. Hiểu theo một cách đơn giản hơn thì SEO là toàn bộ những phương pháp giúp tối ưu website như tối ưu tiêu đề, hình ảnh, tốc độ tải trang, xây dựng đường dẫn liên kết... để giúp website có thứ hạng cao trên công cụ tìm kiếm và tiếp cận người dùng nhanh hơn mỗi khi họ có nhu cầu tìm hiểu một nội dung nào đó. Công cụ tìm kiếm hiện nay được người Việt Nam sử dụng nhiều nhất là Google nên các doanh nghiệp thường căn cứ theo thuật toán của trang này để làm SEO sao cho phù hợp với website của thương hiệu mình. Những hành động của SEO thường không tốn phí nhưng cần thời gian dài để nhận được kết quả.
- SEM – Tiếp thị qua công cụ tìm kiếm: SEM thường bị nhầm lẫn với SEO nhưng hiểu 1 cách đơn giản thì SEM là những hành động để trang web của bạn hiển thị trên công cụ tìm kiếm thông qua quảng cáo mất phí. Khi tìm hiểu một thông tin nào đó trên Google, để kết quả website của bạn có thể hiển thị đầu tiên, nhanh chóng với người dùng thì SEM là một lựa chọn hợp lý. Tuy nhiên phương pháp này sẽ tốn kha khá tiền của thương hiệu vì không chỉ 1 mà có hàng trăm, hàng nghìn trang web cũng đang chi tiền để được xuất hiện như vậy.
- Google Adwords – Quảng cáo Google: Đây là hình thức quảng cáo để thông tin về sản phẩm, thương hiệu của bạn có thể hiển thị, xuất hiện trên những vị trí ưu tiên của Google. Những quảng cáo này có nhiều lợi ích, có thể kể đến là quảng cáo được hiển thị trong khung thời gian nhất định, quảng cáo hiển thị theo khu vực chọn lựa, theo từ khóa cài sẵn và đồng thời chi phí quảng cáo cũng có thể kiểm soát theo ngày hay theo từng giai đoạn.
- Content Marketing – Tiếp thị nội dung: Hiện nay, hầu hết mọi người đều sống trong một đại dương thông tin. Để những thông tin bổ ích, quý giá đến đúng đối tượng thì content marketing đã ra đời. Nội dung để tiếp cận khách hàng của tổ chức, doanh nghiệp nằm ở khắp nơi, từ trang web, blog, fanpage, kênh Youtube, Tiktok... Xây dựng nội dung phù hợp, có giá trị sẽ khiến khách hàng tin tưởng và tìm đến thương hiệu để trải nghiệm dịch vụ, sản phẩm. Nội dung có thể bao gồm chữ viết, hình ảnh, âm thanh, graphic, video...
- Social Media Marketing – Tiếp thị truyền thông qua mạng xã hội: Với sự phát triển mạnh mẽ của các mạng xã hội thì không hề khó hiểu khi các tổ chức, doanh nghiệp lại chú trọng hình thức digital marketing này. Có nhiều trang mạng xã hội để doanh nghiệp tiếp cận như Facebook, Zalo, Tiktok, Linkedin, Instagram... Mục tiêu chính của tiếp thị truyền thông qua mạng xã hội là tạo ra sự tương tác, phản hồi, giúp tăng uy tín, sự tin cậy của khách hàng đối với thương hiệu. Mỗi doanh nghiệp chỉ nên chọn ra những kênh mạng xã hội phù hợp để tập trung phát triển theo khách hàng mục tiêu đã chọn chứ không nên hoạt động tràn lan, tránh sự lãng phí, tốn thời gian mà không đưa về kết quả.
- Email Marketing – Tiếp thị qua thư điện tử: Thư điện tử cũng là một công cụ được nhiều người sử dụng cho công việc, cuộc sống. Chính vì vậy, việc quảng cáo tiếp cận khách hàng thông qua thư điện tử được nhiều doanh nghiệp chú trọng. Ưu điểm của phương pháp này là bạn có thể cá nhân hóa từng khách hàng khi lựa chọn quảng cáo và có thể tạo ra cả 1 kịch bản quảng cáo thư điện tử theo thời gian dài để tiếp cận mục tiêu từ từ. Điều quan trọng nhất cần chú ý là làm sao để bạn thu thập được địa chỉ thư điện tử của khách hàng mục tiêu và phân phối email hữu ích đến họ.
- Affiliate Marketing – Tiếp thị qua liên kết: Tiếp thị liên kết mở ra một kỷ nguyên mới cho những doanh nghiệp và những người nổi tiếng, những người tạo được sức hút trong cộng đồng. Chỉ với 1 đường link thì sản phẩm, dịch vụ của bạn sẽ được nhiều người biết đến và người trung gian lan truyền đường link này cũng sẽ nhận được một khoản hoa hồng xứng đáng cho mỗi lượt click vào link hay mỗi lượt mua.
- Các hình thức digital marketing khác: Ngoài những hình thức trên thì digital marketing còn bao gồm tiếp thị qua truyền hình, tiếp thị qua điện thoại, tiếp thị qua radio, tiếp thị trên các bảng quảng cáo điện tử với màn hình led...
Những kỹ năng cần có của người làm digital marketing là gì?
Là một người làm trong ngành digital marketing, bạn không thể thông thạo toàn bộ các hình thức kể trên mà cần chọn ra một vài hình thức thế mạnh của bản thân để có thể phát triển lâu dài. Để đạt được điều này thì dưới đây là một vài kỹ năng mà bạn có thể trau dồi, học tập thêm:
- Làm video: Dưới sự phát triển mạnh mẽ của mạng xã hội Tiktok thì những video quảng cáo sản phẩm, dịch vụ đang trở nên hot hơn bao giờ hết. Bạn có thể bắt kịp xu hướng này bằng cách học thêm về những kỹ năng quay, dựng video. Nhiều doanh nghiệp hiện nay đang tìm kiếm những tài năng có thể hiểu về cách xây dựng kịch bản, sử dụng các nền tảng quay, dựng và làm ra một video hoàn chỉnh.
- SEO & SEM: Tìm kiếm online cũng là xu hướng mạnh trong digital marketing. Bạn cần biết về tối ưu hóa công cụ tìm kiếm nếu muốn làm việc trong ngành này. Thậm chí khi bạn trở thành chuyên gia trong 2 lĩnh vực này thì nó cũng mở ra cho bạn rất nhiều con đường phát triển về sau.
- Viết nội dung: Nội dung là thứ giúp tổ chức, doanh nghiệp tương tác, truyền tải mọi thứ đến khách hàng. Nội dung tốt có thể thay đổi cả 1 thương hiệu. Hiểu rõ các khía cạnh của nội dung, cách tạo ra một nội dung có giá trị và đo lường để sửa chữa cũng như phát triển nội dung đó hợp lý hơn là những kỹ năng mà bạn nên trau dồi thêm.
- Data & Phân tích dữ liệu: Digital marketing có sự ưu việt hơn các hình thức marketing truyền thống là bởi nó có khả năng thu thập dữ liệu để có hướng thay đổi, phát triển cho phù hợp. Sở hữu một nguồn dữ liệu lớn mà không biết làm gì với nó thì thật đáng tiếc phải không nào. Vì vậy hãy trang bị cho bản thân kỹ năng đọc các con số, phân tích chúng để ra được hướng phát triển, thay đổi cho phù hợp nhé.
- Kỹ năng design: Bạn có bao giờ bị thu hút bởi 1 quảng cáo với những hình vẽ đẹp, nổi bật chưa nhỉ. Kỹ năng design (thiết kế) chính là thứ tạo nên điều đó. Bạn không cần phải là một người có thiên hướng nghệ thuật mới có thể bắt đầu với nghề design, chỉ cần chăm chỉ rèn luyện, học học và tiếp thu thì chắc chắn bạn sẽ có một phong cách design ấn tượng.
- Các kỹ năng khác: Ngoài kỹ năng trên thì bạn cần có một vốn hiểu biết cơ bản về công nghệ, về khách hàng mục tiêu, về thị trường, về đặc thù sản phẩm, dịch vụ... để có thể trở thành một digital marketer giỏi. Ngoài ra những kỹ năng mềm như làm việc nhóm, lập kế hoạch, quản lý thời gian, thuyết trình... cũng là thứ bạn nên trau dồi mỗi ngày.
Mức lương của một người làm digital marketing là bao nhiêu?
Mức lương của mỗi ngành nghề đều tùy thuộc vào khả năng của người làm nghề. Trong digital marketing cũng không ngoại lệ. Với những người mới bắt đầu, dù tiếp cận với bất cứ hình thức digital marketing nào thì mức lương thử việc sẽ tầm 5 - 6 triệu/tháng và chính thức là từ 7 - 12 triệu/ tháng. Đối với người làm part time thì sẽ giao động trong khoảng 1,5 - 2 triệu/ tháng.
Đối với những người có kinh nghiệm thì mức lương sẽ cao hơn, từ 12 - 15 triệu/ tháng. Còn những người làm digital marketing ở vị trí quản lý, trưởng phòng, giám đốc thì có thể lên đến 20 - 30 triệu hay 100 triệu tùy theo khả năng và kết quả đem lại cho doanh nghiệp.
Digital marketing
Trong thời đại kỹ thuật số như hiện nay, digital marketing sẽ còn phát triển mạnh hơn nữa. Có nhiều cơ hội nhưng cũng nhiều sự cạnh tranh trong ngành này nên bạn cần cân nhắc nếu muốn theo đuổi nó. Hãy theo dõi thêm những bài viết của Bp-guide để có thật nhiều kiến thức bổ ích trong mọi vấn đề của cuộc sống nhé!
#bpguide #bp #guide #vn #bpvn